Ethereum là gì? Chi tiết nhất về Ethereum

Ethereum là gì? Chi tiết nhất về Ethereum

Nếu là người mới vào thì thường chắc anh em sẽ thắc mắc Ethereum là gì? Nó hoạt động như thế nào? Có lợi ích gì? Là công nghệ của tương lai hay chỉ là lời đồn? Vì sao nhiều người lại đầu tư vào nó và những thông tin chi tiết nhất. Để làm rõ cho các vấn đề trên, thì hãy đọc hết bài viết này cùng HocTradeCoin.com nhé!

Ethereum là gì?

Ảnh minh họa cho cơ sở hạ tầng xây dựng các dApp, nguồn từ ethereum.org

Ethereum là một nền tảng điện toán có tính chất phân tán, mã nguồn mở dựa trên công nghệ Blockchain. Nó có tính năng tạo lập hợp đồng thông minh, tạo thuận lợi cho các thỏa thuận hợp đồng trực tuyến. Nền tảng này bao gồm một máy ảo hoàn toàn Turing – Ethereum Virtual Machine (EVM), có thể thực thi các hợp đồng thông minh bằng cách sử dụng một mạng lưới máy tính.

Là một công nghệ dùng để xây dựng ứng dụng và tổ chức, nắm giữ tài sản, giao dịch và giao tiếp mà không bị kiểm soát bởi cơ quan trung ương. Không cần phải bàn giao tất cả các chi tiết cá nhân của bạn để sử dụng Ethereum, giữ quyền kiểm soát dữ liệu của riêng mình và những gì được chia sẻ.

Ethereum có tiền điện tử của riêng mình là Ether, được sử dụng để thanh toán cho các hoạt động nhất định trên mạng lưới.

Đôi nét về lịch sử

Nguồn gốc

Ảnh Vitalik Buterin nhà sáng lập ra Ethereum, nguồn từ en.wikipedia.org

Vitalik Buterin đã lập luận rằng Bitcoin cần một ngôn ngữ lập trình để phát triển ứng dụng. Vì không đạt được thỏa thuận với nhóm phát triển Bitcoin, ông đề xuất tạo ra một nền tảng mới, hiện thực hóa ý tưởng của chính mình. Vào năm 2014, ông đã giới thiệu Whitepaper của dự án đến với cộng đồng và ra mắt sản phẩm vào năm 2015.

Bốn thành viên ban đầu của nhóm Ethereum là Vitalik Buterin, Mihai Alisie, Anthony Di Iorio và Charles Hoskinson. Phát triển chính thức của dự án Ethereum bắt đầu vào đầu năm 2014 thông qua một công ty Thụy Sĩ tên là Ethereum Switzerland GmbH (EthSuisse). Sau đó, một tổ chức phi lợi nhuận tại Thụy Sĩ với tên gọi là Ethereum Foundation cũng được thành lập. Việc phát triển Ethereum được tài trợ bởi cộng đồng trực tuyến trong tháng 7 và tháng 8 năm 2014, với những người tham gia mua Ethereum bằng các loại tiền kỹ thuật số khác như Bitcoin. Mặc dù đã có những lời khen ngợi đầu tiên về những đổi mới kỹ thuật của Ethereum, nhưng cũng có các ngờ vực về tính an toàn và khả năng mở rộng của nó.

Sự sụp đổ của dự án DAO

Vụ hack Ethereum ở quỹ DAO năm 2016, Ethereum đã thu hút lượng lớn các phương tiện thông tin đại chúng trong năm 2016. Khi một tổ chức tự trị phân cấp được gọi là The DAO, là một bộ hợp đồng thông minh được phát triển trên nền tảng với kỉ lục huy động được 150 triệu đô từ cộng đồng. DAO đã bị hack một cách ngoạn mục vào tháng 6, khi một cá nhân vô danh đã lấy trộm được khoản tiền trị giá 50 triệu đô. Sự kiện này đã gây ra một cuộc tranh luận đáng kể trong cộng đồng mật mã về việc liệu Ethereum nên thực hiện việc chia nhánh (hard-fork) để lấy lại số tiền bị đánh cắp hay không. Số tiền lên tới 3.36 triệu ETC chính là số Ethereum tại thời điểm đó đã bị hacker lấy cắp, tuy nhiên sau sự kiện Hard-Fork thì đồng Ethereum bị mất giá trầm trọng và phải mất 1 năm sau nữa mới phục hồi hoàn toàn và phát triển rất mạnh về sau này.

Ai điều hành Ethereum?

Ảnh minh họa cho sự phân quyền (Dao), nguồn từ ethereum.org

Ethereum không được kiểm soát bởi bất kỳ thực thể nào. Nó chỉ tồn tại thông qua sự tham gia và hợp tác phi tập trung của cộng đồng. Ethereum sử dụng các nút (một máy tính có bản sao dữ liệu chuỗi khối Ethereum) do các thợ đào điều hành để thay thế các hệ thống máy chủ và đám mây riêng lẻ do các nhà cung cấp và dịch vụ internet lớn sở hữu.

Các nút phân tán này, được điều hành bởi các cá nhân và doanh nghiệp trên toàn thế giới, cung cấp khả năng phục hồi cho cơ sở hạ tầng mạng Ethereum. Do đó, nó ít bị tấn công hoặc tắt máy hơn nhiều. Kể từ khi ra mắt vào năm 2015, Ethereum chưa bao giờ phải chịu thời gian chết . Đang có hàng nghìn nút riêng lẻ chạy trên mạng Ethereum. Điều này làm cho Ethereum trở thành một trong những loại tiền điện tử phi tập trung nhất, chỉ đứng sau bitcoin.

Cơ chế hoạt động

Ảnh minh họa cách hoạt động của mạng lưới Ethereum, nguồn từ cbinsights.com

Ethereum hoạt động dựa trên công nghệ Blockchain, được lưu trữ ở nhiều máy tính trên khắp thế giới gọi là Nodes. Ưu điểm này giúp Ethereum trở nên phi tập trung.

Blockchain Ethereum tương tự như Bitcoin khi cùng có bản ghi lịch sử giao dịch. Tuy nhiên, Ethereum cũng cho phép các nhà phát triển xây dựng và triển khai các ứng dụng phi tập trung. Chúng được lưu trữ trên Blockchain cùng với các bản ghi của các giao dịch.

Khi các nhà phát triển muốn xây dựng ứng dụng phi tập trung (dApp) trên Ethereum, họ cần phải triển khai các Smart Contract thông qua ngôn ngữ lập trình Solidity.

Ứng dụng thực tế của Ethereum

Tài chính phi tập trung (DeFi)

Ảnh mô tả các hoạt động Defi trên Ethereum, nguồn từ ethereum.org

Ethereum hiện là nền tảng có nhiều ứng dụng DeFi hoạt động nhất, bao gồm:

  • Stablecoin: Hiểu đơn giản đây là các loại tiền điện tử được thiết kế để giảm thiểu tác động của biến động giá. Tiền điện tử được hỗ trợ bởi tiền tệ (fiat) là loại tiền phổ biến nhất và là loại Stablecoin đầu tiên trên thị trường.
  • Các loại ví: Các ví lưu trữ tiền điện tử phổ biến như Coinbase Wallet, Huobi Wallet, MetaMask, Trust Wallet
  • Ngoài ra, có thể kể đến các ứng dụng khác của Ethereum với DeFi như: Sàn giao dịch phi tập trung (DEX), cho vay, đầu tư, thanh toán, bảo hiểm, thị trường dự đoán,…

Ứng dụng phi tập trung (dApp)

Dapps trên Ethereum là các ứng dụng web được hỗ trợ bởi các hợp đồng thông minh. Thay vì sử dụng máy chủ hoặc cơ sở dữ liệu tập trung, các ứng dụng này sẽ dựa vào Blockchain làm phần phụ trợ cho toán học logic và lưu trữ chương trình. Điều này dẫn đến việc ra đời của vô số ứng dụng tiềm năng. Bất kỳ ai cũng có thể tự triển khai một bản sao và tự do kết nối nó với mạng Ethereum công cộng.

Kết quả sau thời gian dài hoạt động

Với hơn 2790 dApp đã xây dựng trên Ethereum, 71 triệu địa chỉ ví con số này nói lên số người sử dụng Ethereum lớn khoảng 3/4 dân số Việt Nam, hơn 50 triệu hợp đồng thông minh được triển khai trên mạng lưới. Tài sản khóa trên mạng lưới lúc cao nhất đạt khoảng 160 tỉ đô la. Vào năm 2021, tổng giá trị tài sản lưu chuyển đạt hơn 11 nghìn tỉ đô.

Ảnh minh họa cho Ethereum trong tương lai, nguồn từ ethereum.org

Lợi ích của Ethereum

  • Các ứng dụng phi tập trung và DAO được triển khai trong mạng không thể bị bất kỳ bên thứ ba nào kiểm soát.
  • Mọi thay đổi được thực hiện trong hệ thống cần phải được sự đồng ý của các nút hệ thống để loại bỏ những hình thức gian lận.
  • Bản chất phi tập trung và bảo mật mật mã mạnh mẽ làm cho mạng được bảo vệ khỏi các đợt Hack hay lừa đảo.

Các tổ chức đứng sau hỗ trợ Ethereum

Cũng như các nền tảng khác, để có thể phát triển một cách vững mạnh luôn cần có tổ chức hay công ty hậu thuẫn phía sau. Với Ethereum, đây là các tổ chức có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy toàn bộ hệ sinh thái của phát triển. Trong đó, gồm 3 tổ chức sau:

  • Ethereum Foundation: Đây là tổ chức phi lợi nhuận chịu trách nhiệm phát triển các tính năng của Blockchain Ethereum. Nó được thành lập vào năm 2014 và có trụ sở hoạt động tại Thuỵ Sĩ.
  • Enterprise Ethereum Alliance: Đây là tổ chức sẽ chịu trách nhiệm thúc đẩy, mở rộng việc sử dụng công nghệ chuỗi khối Ethereum cho tất cả các doanh nghiệp.
  • Consensys: Đây là công ty có tầm quan trọng đối với Ethereum nói riêng và Crypto nói chung. Đối với Ethereum, Consensys giống như nơi ương mầm cho các dự án chạy trên nền tảng của Ethereum.

Đào Ethereum

Vì hoạt động theo cơ chế đồng thuận Proof Of Work hay còn gọi là bằng chứng công viêc. Để tham gia vào việc khai thác Ethereum, bạn sẽ cần đến một phần cứng chuyên dụng, chẳng hạn như GPU hoặc ASIC. Các thợ đào tham gia xác nhận giao dịch sẽ được thưởng Token ETH.

Khai thác trên Ethereum không phải là cách an toàn. Sau quá trình chuyển đổi xảy ra, các thờ đào Ethereum có khả năng sẽ hướng thiết bị khai thác của họ sang một mạng khác hoặc bán toàn bộ. Tiếp đó là rủi ro bị lỗ khi trong lúc Ethereum giảm giá mạnh, tiền thu về không đủ cho chi phí đào.

Sự ra đời của Ethereum 2.0 sẽ làm cho các thợ đào không còn dễ dàng kiếm lợi nhuận như trước. Vì theo cơ chế Proof Of Stake, người đứng ra xác thực giao dịch cần phải Stake một lượng ETH nhất định làm tăng vốn phải chi trả ban đầu.

Chuẩn token ERC

ERC (Ethereum Request for Comments) là các bộ quy tắc cần thiết để triển khai Token trên mạng lưới Ethereum. Các bộ tiêu chuẩn này được sử dụng bởi các nhà phát triển, để triển khai các hợp đồng thông minh trên nền tảng Ethereum. Trước khi trở thành tiêu chuẩn được áp dụng trên chuỗi khối Ethereum, ERC phải được sửa đổi, nhận xét và chấp nhận bởi cộng đồng thông qua EIP (Ethereum Improvement Proposal) hay còn gọi là bản đề xuất cải tiến Ethereum. Các chuẩn Token trên mạng lưới Ethereum là: ERC20, ERC721, ERC777, ERC 1155

Về Ether

Ether là gì?

Tiền mã hóa được giao dịch trong mạng lưới Ethereum được gọi là Ether (ETH). Nó được liệt kê dưới mã ETH và giao dịch trên các sàn giao dịch tiền mã hóa. Nó cũng được sử dụng để trả phí giao dịch và dịch vụ tính toán trên mạng Ethereum.

Giá trị của Ether có thể biến động lớn, ví dụ như sự sụt giảm của Ether từ 21,50 USD xuống còn 8 USD sau khi The DAO bị tấn công vào ngày 17 tháng 6 năm 2016.

Tokenomics

Một số thông tin cơ bản về ETH

Tên: Ethereum

Ký hiệu: ETH

Blockchain: Ethereum

Tiêu chuẩn: ERC-20

Tổng cung: Không giới hạn

Cung lưu hành: 119.614.742

Ứng dụng của ETH

Phí Gas: Giống như BTC, ETH được dùng để thanh toán phí Gas trong mạng lưới của Ethereum. Mức phí này không cố định mà nó tuỳ thuộc vào tình trạng mạng lưới của Ethereum. Nếu mạng lưới đang quá tải thì phí Gas sẽ tăng và ngược lại. Tuy nhiên, phí Gas ở mức bình thường khá rẻ, chỉ có khoảng $0.2 – $0.7 rẻ hơn phí giao dịch của Bitcoin rất nhiều. Nhưng khi người sử dụng nhiều, đi theo đó là vấn nạn MEV (các thợ đào bắt đầu lợi dụng quyền hạn của mình để ưu tiên chọn những giao dịch chịu trả mức phí cao hơn, chứ không theo thứ tự ưu tiên ai đến sẽ trước được xử lý giao dịch trước) do đó bắt đầu xuất hiện các Bot thi nhau trả gas cao hơn để được quyền đưa giao dịch vào Block. Điều này một lần nữa đẩy Gas lên rất cao, trung bình một giao dịch tốn $50-$60, đỉnh điểm có thể lên vài trăm đô.

Phần thưởng khối: Ethereum sử dụng đồng thuận Proof of Work (PoW) vì thế phần thưởng khối trong mạng lưới của Ethereum là ETH. Ban đầu phần thưởng khối này là 5 ETH. Qua nhiều lần nâng cấp mạng lưới, phần thưởng khối hiện tại của Ethereum đang ở mức 2 ETH cho mỗi block.

Sau khi được chuyển sang Eth2.0, người xác nhận sẽ đặt cược các mã thông báo để tham gia vào sự đồng thuận và nhận phần thưởng khối. Với Beacon Chain đang được sản xuất, người dùng có thể gửi ETH của họ vào Hợp đồng tiền gửi để yêu cầu một vị trí xác thực trên mạng Ethereum 2.0. Người xác nhận có quyền đặt cược ETH trên Beacon Chain để tham gia vào quá trình sản xuất khối và kiếm phần thưởng đặt cược.

Phân bổ Token

Sự kiện phân phối mã thông báo ban đầu của Ethereum, do Ethereum Foundation quản lý , đã bán được khoảng 60 triệu đô (80% trong số 72 triệu ETH cung cấp ban đầu) cho công chúng. Việc mua bán diễn ra từ ngày 22 tháng 7 năm 2014 đến ngày 2 tháng 9 năm 2014. Tuy nhiên, Ether mà các nhà đầu tư mua không thể sử dụng hoặc chuyển nhượng được, trước khi ra mắt Genesis Block vào ngày 31 tháng 7 năm 2015. Giá của Ether ban đầu, đặt mức chiết khấu là 2000 ETH mỗi BTC, sau giảm tuyến tính xuống mức cuối cùng là 1337 ETH mỗi BTC vào ngày 28 tháng 8 năm 2014.

Ảnh minh họa, nguồn từ messari.io

Lịch trả Token

ETH đã được trả hết cho các nhà đầu tư, đội ngũ và quỹ phát triển. Lượng ETH phát thải ra chỉ là phần thưởng cho Miner.

Có nên đầu tư ETH không?

Đâu là câu hỏi triệu đô nên rất khó trả lời, nhưng vẫn sẽ cung cấp với góc nhìn của cá nhân. So với các đồng coin khác thì dộ uy tín của ETH chỉ thua BTC điều đó đã được chứng minh qua các chu kì của thị trường. Phù hợp với các nhà đầu tư vốn lớn, thích an toàn. Cũng đừng quên tính rủi ro và biến động của thị trường cũng như ETH.

Cách mua và lưu trữ

Cách mua

Hiện có thể mua ETH trên các sàn Cex như Binance, Okx, Houbi,… Hoặc trên các sàn Dex như Uniswap, Shushi,…

Lưu trữ

Có thể lưu trữ ETH trên các ví nóng , ví lạnh, ví sàn có hỗ trợ mạng lưới Ethereum.

Tổng kết

Qua bài viết này anh em có thể hiểu được Ethereum là gì? Ether (ETH) là gì? Cho đến các chi tiết liên quan đến Ethereum. Nó là nơi khởi nguồn cho các công nghệ ứng dụng mạnh mẽ của Blockchain sau này và công nghệ luôn phát triển hàng ngày. Nếu trong quá trình đọc có bất kì thắc mắc hay vấn đề gì, xin hãy bình luận ở bên dưới để được phản hồi sớm nhất.

Ngoài ra, anh em có thể đọc thêm nhiều bài viết về Blockchain và Crypto tại HocTradeCoin.com. Nơi cung cấp kiến thức hoàn toàn miễn phí cho người mới từ A tới Z.

Vo Huy